Bến Nhà Rồng là một địa danh gắn liền với dấu mốc lịch sử của dân tộc Việt Nam ta. Đó là nơi Bác Hồ bắt đầu hành trình 30 năm ra đi tìm đường cứu nước. Mỗi khi nhắc nhớ hình ảnh Bến Nhà Rồng, mỗi người dân Việt Nam đều thấy dâng lên trong lòng một tình yêu và niềm tự hào dành cho Bác. Vậy để hiểu hơn về địa danh này, cùng DiaDiem.Wiki khám phá qua bài viết này nhé!
Giới thiệu về Bến Nhà Rồng Bảo tàng Hồ Chí Minh
Bảo tàng Hồ Chí Minh – Bến Nhà Rồng là cái tên không hề xa lạ với những người dân Việt Nam. Nơi đây là di tích lịch sử gắn liền với cột mốc quan trọng, mở ra một thời kỳ hoà bình cho đất nước. Vậy Bến Nhà Rồng là gì và những sự kiện lịch sử nào gắn liền với địa danh này, cùng tìm hiểu nhé.
Bến Nhà Rồng là gì?
Bến Nhà Rồng tên chính thức là bảo tàng Hồ Chí Minh, là cụm di tích kiến trúc – bảo tàng ở bên sông Sài Gòn. Nơi đây trước kia là trụ sở của hãng vận tải Messageries maritimes ở Sài Gòn.
Nhưng tại đây đánh dấu sự kiện người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã xuống tàu Amiral Latouche Tréville để tìm kiếm cơ hội sang châu Âu tìm đường cứu nước. Vì thế từ năm 1975, cụm di tích này được Nhà nước Việt Nam cho dựng lại thành khu lưu niệm Hồ Chí Minh. Đến nay là bảo tàng Hồ Chí Minh Bến Nhà Rồng.
Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa Bến Nhà Rồng vào danh sách danh thắng biểu trưng của thành phố.
Tên gọi Bến Nhà Rồng
Có khá nhiều những thuyết khác nhau nói về tên gọi Nhà Rồng:
Có thuyết cho rằng trên nóc trụ sở hãng vận tải Messageries maritimes có gắn đôi rồng lớn làm bằng đất nung và tráng men xanh. Do đó, người ta gọi nơi này là Nhà Rồng.
Theo một thuyết khác, “Nhà Rồng” với Nhà là Gia, Rồng là Long (nghĩa là Gia Long). Vì để nhắc nhớ đến mối quan hệ giữa Vua Gia Long với nước Pháp nên người Pháp đặt tên là “Nhà Rồng”.
Tuy nhiên, trong chữ Hán Nôm, “gia long” mang ý nghĩa là “nhà rồng” khác với niên hiệu “Gia Long”. Thuyết này không chính xác mà chỉ sinh ra do hiểu nhầm giữa các từ đồng âm khi không biết chữ Hán và chữ Nôm mà chỉ biết chữ Quốc ngữ.
Ngoài ra, Nhà Rồng còn có một số tên gọi khác được ghi nhận lại như:
Sở Ông Năm (do tòa nhà này do viên quan năm Pháp Domergue trực tiếp chủ trì xây dựng).
Sở Canh tuần tàu biển (do từ sau năm 1865, cờ Thủ Ngữ được xây dựng và có treo cờ hiệu để thuận tiện cho tàu thuyền ra vào cảng).
Đến hiện tại, cái tên Bến Nhà Rồng vẫn là phổ biến nhất.
Bến Nhà Rồng ở đâu?
Bến Nhà Rồng là cụm di tích kiến trúc – bảo tàng bên sông Sài Gòn. Cụ thể là nằm ở số 01 Nguyễn Tất Thành, phường 12, quận 4, thành phố Hồ Chí Minh.
Cách di chuyển:
Bằng phương tiện tự túc: Đường đến Bến Cảng Nhà Rồng khá dễ và có khu để xe riêng cho cá nhân nên bạn có thể đi xe máy hoặc ô tô tới đây. Ưu điểm của phương án này là giúp bạn chủ động về thời gian di chuyển và tham quan các địa điểm khác.
Bạn có thể đi xe buýt hoặc xe lửa:
Nếu đi xe buýt đến Bến Nhà Rồng, sẽ có các chuyến 02, 03, 19, 56.
Nếu đi bằng xe lửa, bạn có thể tham khảo một số ga gần Cảng Nhà Rồng như: Tòa Nhà Bitexco (cách đó 526m), Cục Hải Quan Thành Phố (cách đó 635m), Bến Bạch Đằng (cách 553m) hoặc Nguyễn Huệ (cách 752m).
Đi theo đoàn: Nếu du khách đi đông hoặc theo đoàn thì có thể thuê một chuyến xe du lịch, ưu điểm là có lịch trình cụ thể và không lo tìm đường đi.
Kiến trúc Bến cảng Nhà Rồng
Khi còn là Trụ sở Công ty Vận tải Hoàng đế (Hotel des Messageries Impériales), Nhà Rồng có kiến trúc mang phong cách phương Tây. Nóc nhà gắn hai con rồng làm bằng đất nung, châu đầu vào mặt trăng theo kiểu “Lưỡng long chầu nguyệt”. Đây là kiểu kiến trúc quen thuộc của các đình chùa ở Việt Nam.
Hai đầu hồi của toà nhà có ký tự M.I (Viết tắt của Messageries Impériales). Du khách có thể nhìn thấy biểu tượng này nếu đừng từ hướng Khách Hội hoặc sông Sài Gòn.
Năm 1871, hãng đổi tên thành Messageries maritimes. Hoạ tiết mặt trăng trên nóc nhà thay thế bằng biểu tượng của vương miện, đầu ngựa và mỏ neo. “Đầu ngựa” là để chỉ từ thời trước ở Pháp, hãng chuyên chở hàng đường bộ bằng ngựa kéo xe. “Mỏ neo” thì tượng trưng cho tàu thuyền. Chính vì thế nơi này còn có tên gọi là Hãng Đầu Ngựa.
Năm 1955, chính quyền Việt Nam trùng tu lại mái nhà và thay hai con rồng cũ bằng con rồng mới có tư thế quay đầu ra. Từ đó về sau, kiến trúc của Nhà Rồng dường như không thay đổi và nguyên vẹn đến ngày nay.
Giờ mở cửa Bến Nhà Rồng
Để được vào trong Bến Nhà Rồng tham quan, bạn cần đến vào các ngày thứ 3 đến Chủ Nhật hàng tuần.
Giờ mở cửa tham quan:
- Sáng: 7:30 – 11:30
- Chiều: 13:30 – 17:00
Giá vé Bến Nhà Rồng
Bến Nhà Rồng giá vé là 20.000 VNĐ/người. Đây là mức giá quá rẻ để bạn được tận mắt chứng kiến địa danh đã làm nên lịch sử hoà bình cho dân tộc, để được nghe những câu chuyện về công lao to lớn của vị lãnh tụ kính yêu trong hành trình ra đi tìm đường cứu nước.
Nếu có dịp đến đây, bạn sẽ cảm thấy tự hào vì một dân tộc Việt Nam đoàn kết, một vị lãnh tụ yêu nước quên thân. Từ đó thêm trân trọng những hi sinh to lớn của những chiến sĩ trong thời kỳ chiến tranh giành lại hoà bình.
Lịch sử Bến Nhà Rồng xưa
Để có được hoà bình như hôm nay, đã có rất nhiều sự kiện lịch sử xảy ra. Mỗi sự kiện gắn liền với một địa danh nổi tiếng. Vậy câu chuyện lịch sử về Bến Nhà Rồng như thế nào?
Bến Nhà Rồng được xây dựng năm nào?
Ban đầu, Bến Nhà Rồng là một thương cảng lớn xây dựng vào năm 1864 ở sông Sài Gòn. Đây là công trình đầu tiên mà Pháp xây dựng kể từ khi chiếm được Sài Gòn.
Năm 1955, vì địa danh này gắn liền với sự kiện Bác Hồ bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước nên chính quyền Việt Nam đã cho tu bổ lại ngôi nhà này.
Từ 1975, trụ sở thương cảng Nhà Rồng tại Sài Gòn được xây dựng lại thành khu lưu niệm Hồ Chí Minh. Năm 1995, khu di tích tiếp tục được sửa sang và đến nay có tên gọi là bảo tàng Hồ Chí Minh.
Ở đây trưng bày nhiều hiện vật về Bác Hồ với chủ đề “Tình cảm Chủ tịch Hồ Chí Minh với miền Nam và tình cảm của người dân miền Nam đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Bến Nhà Rồng đã trở thành một điểm đến du lịch văn hoá thu hút nhiều du khách tò mò đến tham quan.
Lịch sử hình thành Bến Nhà Rồng
Lúc bấy giờ, Pháp chiếm được Nam Kỳ và cho xây dựng thương cảng Sài Gòn nhằm làm đầu mối thông thương với các nước khác. Hãng vận tải biển Messageries impériales phụ trách việc xây dựng. Trong gần 1 năm, các bến cảng đầu tiên đã mọc lên tại Bến Thành (gần công xưởng Sài Gòn).
Ngày 4/3/1863, trụ sở của hãng Messageries maritimes (tên gọi sau này của Messageries impériales) được xây dựng để tiện cho việc quản lý thương cảng. Đây là nơi ở của viên Tổng Quản lý và cũng là nơi bán vé tàu.
Tháng 10/ 1865, hãng dựng thêm cột cờ hiệu bằng thép cao 40m ở nền đồn dinh quan Thủ ngữ trước đây. Cột cờ hiệu có tác dụng giúp các tàu bè dễ dàng ra vào cảng. Dân gian gọi đây là Cột cờ Thủ Ngữ.
Năm 1893, tòa nhà Messageries maritimes được lắp đèn điện. Tuy nhiên ảnh sáng của 16 bóng đèn nến leo lét, không bằng cả ngọn đèn lồng thắp dầu ở đường Catina (nay là đường Đồng Khởi).
Cuối năm 1899, hãng xây cất bến cho tàu thuyền cập vào. Bến được lót ván dày, đặt ở trụ sắt dọc mé sông 42m (phía tàu cập vào), mỗi bến cách nhau 18m. Bề ngang ở mỗi bến tính vào phía trong bờ là 8m và từ bờ ra bến có một cây cầu rộng 10 mét. Ban đầu có 2 bến được xây dựng, sau có bến thứ 3.
Năm 1919, hãng được cho phép xây bến bằng xi măng nhưng không xây được, đến 3/1930 mới hoàn thành một bến nhưng chỉ dài 430m.
Sau năm 1955, chính quyền Việt Nam Cộng hòa cho tu sửa mái của ngôi nhà và thay 2 con rồng cũ bằng 2 con rồng mới khác tư thế. Năm 1965, quân đội Mỹ sử dụng toà nhà làm trụ sở Tiếp nhận viện trợ quân sự Mỹ.
Sau năm 1975, Bến Nhà Rồng – biểu tượng của cảng Sài Gòn thuộc quyền quản lý của Cục đường biển Việt Nam.
Các cột mốc lịch sử về Bến Nhà Rồng Bảo tàng Hồ Chí Minh
Một số cột mốc đáng nhớ gắn liền với Bác Hồ và thương cảng Sài Gòn là:
- 4/3/1863: Khởi công xây dựng Nhà Rồng.
- 5/6/1911: người thanh niên Nguyễn Tất Thành (sau này là chủ tịch Hồ Chí Minh) xuống tàu Amiral Latouche Tréville làm đầu bếp để bắt đầu hành trình sang Châu Âu tìm đường cứu nước.
- 1/1/937: Buổi mít-tinh để đón tiếp đại biểu Mặt trận bình dân Pháp diễn ra tại Bến Nhà Rồng với sự tham gia của hơn 20.000 người dân Sài Gòn – Gia Định.
- 23/9/1945: Tiểu đội kháng chiến Việt Nam tổ chức chiến đấu chống trả cuộc tấn công của đại đội quân Anh.
- Đêm 15/10/1945: Quân Việt Nam tổ chức đốt tàu chiến Alex của Pháp khi chúng cập Bến Nhà Rồng.
- 13/5/1975: Một chiếc tàu biển Sông Hồng cập Bến Nhà Rồng, con tàu này có trọng tải 10.000 tấn – ghi dấu sự thống nhất của đường biển Bắc – Nam.
Ý nghĩa lịch sử của Bến Nhà Rồng
Có không ít những sự kiện lịch sử diễn ra tại bến Nhà Rồng bảo tàng Hồ Chí Minh nhưng có một sự kiện đặc biệt quan trọng mà người dân Việt Nam không thể nào quên. Đó là ngày 5/6/1911, ngày đánh dấu Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước.
Vào ngày này tại Bến Cảng Nhà Rồng, Bác bước xuống con tàu Amiral Latouche Tréville và rời Việt Nam sang châu Âu, bắt đầu hành trình cách mạng của mình.
Sự kiện này có ý nghĩa lịch sử đặc biệt, đánh giá sự mở đầu cho hành trình giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của thực dân Pháp.
Đến Bến Nhà Rồng có gì hấp dẫn?
Là một địa danh lịch sử nhưng nơi đây vẫn thu hút đông du khách đến tham quan, vậy ở đây có gì hấp dẫn.
Khám phá vẻ đẹp của Nhà Rồng
Nhà Rồng là một trong những công trình có kiến trúc độc đáo còn sót lại ở Sài Gòn do thực dân Pháp xây dựng. Nơi đây không những được thiết kế theo lối kiến trúc phương Tây mà còn giữ được nét độc đáo của kiến trúc Phương Đông.
Điểm nhấn của bảo tàng Hồ Chí Minh là đôi rồng được chạm khắc công phu trên mái cao nhất của ngôi nhà. Từ năm 1979, Bến Nhà Rồng còn là nơi trưng bày những hiện vật và tư liệu quý giá của Bác Hồ. Do đó, du khách đến đây sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng kiến trúc mới lạ của Nhà Rồng và một số đồ lưu niệm còn lại của chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tìm hiểu về cuộc sống của Bác Hồ qua tư liệu hình ảnh
Bến Nhà Rồng nay đã được tu sửa trở thành bảo tàng Hồ Chính Minh – nơi lưu giữ những hiện vật còn sót lại. Bên trong có tổng cộng 9 phòng trưng bày với diện tích 1482,62m2. Trong đó, có khoảng hơn 10.000 tài liệu cũng như hiện vật được cất giữ cẩn thận.
Trong 9 phòng trưng bày, có 6 phòng được bố trí theo chủ đề để khách du lịch dễ dàng tìm hiểu.
- Phòng chủ đề 1: Trưng bày những hiện vật, tư liệu và hình ảnh thời thơ ấu và thanh niên của chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 – 1920).
- Phòng chủ đề 2: Trưng bày những hình ảnh, tư liệu và hiện vật về Bác Hồ khi người tham gia sáng lập Đảng cộng sản của giai cấp công nhân (1920 – 1930).
- Phòng chủ đề 3: Trưng bày các hiện vật, tư liệu, hình ảnh về Bác Hồ khi người lãnh đạo cách mạng tháng 8 thắng lợi và xây dựng nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (1930 – 1954).
- Phòng chủ đề 4: Trưng bày các tư liệu về Bác Hồ khi người lãnh đạo kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước (1954 – 1969).
- Phòng chủ đề 5: Trưng bày hình ảnh, từ liệu về đồng bào Việt Nam làm theo di chúc của chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 – nay).
- Phòng thứ 6 là nơi trưng bày tình cảm của Bác Hồ đối với nhân dân Việt Nam và ngược lại. Hầu hết, những ai bước vào phòng này đều không thể kiềm chế cảm xúc khi đọc những lời của Bác gửi đến đồng bào Việt Nam.
3 phòng còn lại trưng bày các tư liệu về chuyên đề thời sự, những nhiệm vụ chính trị trong từng mốc thời gian nhất định.
Ngoài ra, có 450 hiện vật được trưng bày ngoài trời.
Ngắm hoàng hôn bên Bến Nhà Rồng
Hoàng hôn cũng là thời điểm lý tưởng nhất để bạn ghé thăm Bến Nhà Rồng. Sau khi khám phá kiến trúc cũng như các hiện vật bên trong, du khách hãy ra phía sau Nhà Rồng để chiêm ngưỡng thời khắc hoàng hôn buông xuống ở sông Sài Gòn.
Lúc này bày trời, mặt sông và mặt đất được bao phủ bởi một màu hồng cam lãng mạn. Ai đã tận mắt chứng kiến khoảnh khắc này mới thấm thía vẻ đẹp say đắm lòng người ở đây. Đừng quên lưu giữ khoảnh khắc này bằng những tấm ảnh để về khoe với bạn bè nhé!
Những lưu ý khi tham quan Bến Nhà Rồng – Bảo tàng Hồ Chí Minh
Đây là địa điểm trưng bày nhiều hiện vật giá trị nên du khách cần lưu ý những điểm sau:
- Không chạm vào các hiện vật trong phòng trưng bày.
- Giữ vệ sinh và trật tự khi tham quan bảo tàng.
- Hạn chế và chú ý khi chụp ảnh, quay phim trong bảo tàng.
- Bạn nên gửi túi xách, balo trước khi vào cổng để di chuyển trong bảo tàng thuận tiện hơn.
Người người ghé thăm Bến Nhà Rồng không đơn giản vì ở đây đẹp, kiến trúc cổ kính và còn vì đây là nơi gắn liền với hành trình giành độc lập hoà bình mà Bác Hồ đã chọn. Nơi đây vừa mang giá trị lịch sử lâu đời vừa là nơi nhắc nhớ những công lao hy sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau khi tham khảo bài viết này của DiaDiem.Wiki, bạn đã sẵn sàng để đi khám phá lịch sử hào hùng của dân tộc chưa. Nhớ like & share để cùng bạn bè đến đó nhé!